Bệnh lý Rối loạn lo âu xảy ra ngày càng nhiều trong xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Bài viết trình bày những thông tin cơ bản nhất về bệnh Rối loạn lo âu, với mong muốn giúp bạn đọc có những kiến thức cơ bản để quản lý và chăm sóc tốt sức khỏe cho bản thân và gia đình.

1. Rối loạn lo âu là bệnh gì?

Rối loạn lo âu là một dạng của rối loạn tâm lý, bệnh thường kết hợp với nhiều rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống,… Rối loạn lo âu được định nghĩa là sự lo sợ quá mức trước một vấn đề, tình huống hay sự việc nào đó, thậm chí một số trường hợp người bệnh lo âu vô cớ, không rõ nguyên nhân. Bệnh có tính chất lặp đi lặp lại, kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thói quen sinh hoạt trong cuộc sống. Khi sự lo âu và sợ hãi quá mức kéo dài ngay cả khi nguyên nhân mối lo đã được giải quyết thì là bệnh lý, cần phải tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.

2. Các hội chứng lâm sàng của hội chứng Rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu thường có biểu hiện nhiều dạng lâm sàng khác nhau. Người bệnh có thể mắc một hoặc nhiều dạng lâm sàng cùng một lúc, dù là dạng rối loạn nào, người bệnh cũng cần phải chú ý và có hướng điều trị phù hợp, kịp lúc. Dưới đây là các dạng lâm sàng thường gặp của hội chứng rối loạn lo âu:

Rối loạn lo âu lan tỏa:

Người bệnh mắc hội chứng rối loạn lo âu lan tỏa sẽ có biểu hiện: tâm trạng luôn bất an, hồi hộp lo lắng, căng thẳng quá mức, họ hay dự đoán các sự kiện bắt trắc hoặc quá quan tâm đến sức khỏe, tiền bạc, công việc, đôi khi có triệu chứng nóng lưng, thắt ngực, đau bụng, khó ngủ, run rẩy, đổ mồ hôi,… Các triệu chứng kéo dài dai dẳng, không giới hạn, không có nguyên nhân rõ rệt. Bệnh thường xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam, trong độ tuổi 20 – 30 tuổi. Một trong những dấu hiệu tiên quyết để chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa là tình trạng bệnh kéo dài ít nhất 6 tháng.

roi-loan-lo-au

Rối loạn lan toả thường kéo dài ít nhất 6 tháng

– Rối loạn ám ảnh cưỡng chế:

Dạng lâm sàng này ít gặp nhưng mức độ trầm trọng hơn các dạng lâm sàng khác. Người bệnh sẽ có các ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế, họ không làm chủ được các ý nghĩ lặp đi lặp lại một cách vô lý và để giảm cảm giác khó chịu, họ buộc phải thực hiện các hành vi cưỡng chế như rửa tay liên tục, ngăn nắp quá mức,… Các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế không gây nguy hại đến tính mạng con người, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần người bệnh, theo thời gian ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh thường xuất hiện ở cả nam và nữ, trong mọi lứa tuổi.

– Rối loạn stress sau sang chấn:

Rối loạn stress sau sang chấn thường xảy ra sau một số vấn đề đau buồn trong cuộc sống, gia đình hay môi trường xung quanh như sự mất người thân, bị ngược đãi, chiến tranh, thiên tai, ám ảnh tai nạn giao thông, lạm dụng tình dục,… gây nỗi bất an dai dẳng, cảm giác đau buồn không nguôi, hậu quả nặng nề có thể dẫn đến tự tử hay làm việc dại dột do nghĩ không thông suốt. Vì thế, hội chứng rối loạn stress sau chấn thương cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh những tình huống xấu nhất xảy ra.

roi-loan-lo-au-am-anh-xa-hoi

Ám ảnh sợ xã hội ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của người bệnh

– Ám ảnh sợ xã hội:

Người bệnh mắc hội chứng ám ảnh sợ xã hội luôn cảm thấy sợ hãi quá mức trong các tình huống xã hội như các buổi tiệc tùng, nói chuyện trước đám đông, nói chuyện với người lạ, hoặc thậm chí bị ai đó nhìn,… Người bệnh sẽ có biểu hiện như đỏ mặt, run rẩy, vã mồ hôi, mất kiểm soát trong hành vi, cử chỉ, lời nói, dễ làm những việc ngớ ngẩn,… Bệnh xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới, nếu kéo dài không điều trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ tác phong làm việc, giao tiếp, giảm chất lượng hiệu quả công việc.

– Rối loạn lo âu khi xa cách:

Người bệnh có biểu hiện lo âu khi phải rời xa môi trường hay người đem lại cảm giác an toàn. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em, vì vậy các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm chăm sóc và theo dõi kỹ tâm lý trẻ em, tránh những tác động không đáng có lên sự phát triển tinh thần, thể chất của trẻ.
Trên đây là những dạng lâm sàng thường gặp của bệnh rối loạn lo âu, tùy dạng lâm sàng và tình trạng cụ thể ở người bệnh mà có biểu hiện những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên dù là dạng lâm sàng nào người bệnh cũng cần được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.

Nguồn: https://chualanhbenh.com/